Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Người bị lây giun sán từ chó mèo

Một số trường hợp do tiếp xúc gần gũi với chó, mèo, chuột bạch, khỉ... ký sinh trùng (giun, sán, rận...) sẽ lây truyền qua người và gây bệnh, đôi lúc khá trầm trọng như: u não, apxe: não, gan, phổi (do sán lưu thông qua đường mạch máu và cư trú bất kỳ cơ quan nào của cơ thể).



Dưới đây là một số bệnh do vật nuôi gây ra:

1. Giun, sán chó, mèo: do lây nhiễm từ các vật nuôi nhiễm ký sinh trùng. Thường gặp những bệnh như:

* Nhiễm giun Trichinella spiralis (còn gọi là trichinosis): Chó, mèo, heo, ngựa và thú hoang dã như chuột, chồn, gấu đều có thể bị nhiễm bệnh trichinosis. Các vật nuôi bị nhiễm giun Trichinella spiralis do ăn phải thức ăn có chứa ký sinh trùng.

Ăn thịt heo, chó, mèo... bị bệnh, nếu nấu không thật chín chúng ta sẽ nhiễm bệnh. Nếu nhiễm nhẹ thì không thấy triệu chứng gì. Nếu nặng, bệnh nhân sẽ thấy bị mệt mỏi, đau nhức các bắp thịt và các khớp xương, mí mắt sưng phù và mắt có thể bị nhức nhối. Trường hợp nhiễm thật nặng sẽ có biến chứng tim và não.

* Nhiễm giun Toxocara canis hay Toxocara cati (còn gọi là toxocariasis): Cơ hội lây nhiễm trứng giun đũa chó, mèo vào người tại Việt Nam rất cao do việc nuôi chó, mèo trong nhà khá phổ biến. Các ấu trùng này gây tổn thương tại những nơi chúng đến, gây bệnh giun đũa chó, mèo ở người.

Mức độ tổn thương của cơ thể cùng các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan chúng xâm lấn: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt... Các thể lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo được mô tả như sau:

- Thể ấu trùng di chuyển nội tạng: chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng rất cao, các globulin miễn dịch IgM, IgG và IgE trong máu tăng. Ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não.

- Thể ấu trùng di chuyển ở mắt: gặp ở trẻ 5 - 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt, đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù lòa.

* Nhiễm sán kim Echinococcus granulosus: Do xâm nhập ký sinh trùng trong cơ thể, nang sán sẽ chèn ép các phủ tạng, cơ quan xung quanh và gây nên những biến chứng quan trọng. Sự tổn thương và nguy hại còn tùy thuộc vào vị trí có nang sán ký sinh.

Nang sán thứ phát có thể 2 - 5 năm sau mới xuất hiện kể từ khi nang sán tiên phát bị vỡ và thường gây tử vong ở giai đoạn này. Chẩn đoán rất khó do nang sán phát triển chậm so với các loại u nang khác. Chụp phim X-quang có thể phát hiện nang sán sớm.

Xét nghiệm máu ghi nhận bạch cầu ái toan tăng cao hoặc chẩn đoán huyết thanh miễn dịch đặc hiệu sán kim dương tính là những dấu hiệu chỉ điểm, giúp chẩn đoán bệnh.

Phòng bệnh hiệu quả nhất là không cho chó ăn các nang sán khi giết mổ lợn, cừu, trâu, bò. Cần chú ý giữ gìn vệ sinh khi tiếp xúc, vui đùa với chó. Nếu gia đình nuôi chó nhà, nên có chế độ chăm sóc cho chó, định kỳ phải khám bệnh phát hiện bệnh sán kim ở chó và điều trị triệt để bệnh cho chó.

2. Bệnh “mèo cào” (tên khoa học bartonellosis): hội chứng viêm hạch bạch huyết do vi trùng Bartonella henselae gây ra. Tổn thương bao gồm một hoặc vài mụn mủ xuất hiện 3 - 10 ngày sau khi bị mèo cắn hoặc cào, theo sau là sưng hạch tại gần vị trí bị cắn, cào (thường ở cổ hoặc nách) và triệu chứng sốt, mệt mỏi...

Những dấu hiệu không đặc trưng có thể gặp như sưng mắt, viêm não, viêm khớp và nhiễm trùng toàn thân trầm trọng.

3. Dị ứng: mẩn đỏ, ngứa da do lông chó, mèo, hoặc do các bọ chét, rận từ các vật nuôi. Nặng hơn có thể gây chàm (eczema) và hen (suyễn), triệu chứng thường gặp là ngứa đỏ da, sần sùi, dễ tái phát cùng một vị trí trên cơ thể, ho, khò khè, khó thở.

theo báo tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét