Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Khi bị chó mèo cắn phải làm gì

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm ảnh hưởngđến hệ thần kinh trung ương. Bệnh dại chưa có thuốc chữa, khi lên cơn dại coi như chết 100%, vì vậy không nên chữa theo các bài thuốc dân gian của thầy lang đắp lá, rút nọc... Bệnh chủ yếu bị lây nhiễm qua vết cắn, hoặc vết thương hở dính vào nước bọt của các loài động vật có vú như chó, mèo, trâu, bò... Do đó khi bị chó, mèo cắn không được chủ quan, thực hiện các sơ cứu sau và đến cơ sở y tế để được điều trị.
Xử lý tại chỗ khi bị chó cắn:
- Rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Lưu ý rửa nhẹ nhàng tránh chà xát mạnh. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Nếu có hãy sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn như cồn 70%, cồn iod, nước ô xi già để loại bỏ virus gây bệnh có hại ở mức độ nhất định. Đổ một lượng nhỏ lên vết cắn. Hãy thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc vì sẽ rất xót.
  Tuyệt đối không nặn máu, không bôi rắc các chất kích thích như ớt bột, tiêu, muối hay đắp các loại nước, lá.
- Băng hờ vết thương bằng gạc sạch, không nên băng kín.
- Đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Trường hợp nào bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc xin dại?
Tiến sĩ Đinh Kim Xuyến, Phó chủ nhiệm Chương trình phòng chống bệnh dại, khuyến cáo, khi bị súc vật nghi dại cắn, cần sơ cứu và đến các điểm tiêm phòng. Sau khi khám và hỏi han kỹ, bác sĩ sẽ chỉ định là tiêm văcxin hay không. Sẽ phải tiêm ngay nếu:
- Con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại.
- Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ.
- Có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu.
- Không theo dõi được con vật.
- Tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.
Trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ không tiêm mà dặn bệnh nhân theo dõi con vật trong 15 ngày:
- Vết cắn nhẹ, xa não.
- Con vật vẫn sống bình thường khỏe mạnh.
- Không phát hiện bệnh dại ở súc vật trong khu vực.
Có cần đi tiêm không nếu bị chó mèo đã tiêm phòng dại cắn?
Chưa ai dám khẳng định súc vật đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Vì vậy, bệnh nhân vẫn phải xử trí tại chỗ vết thương ngay và đến các điểm tiêm dại để được bác sĩ khám và chỉ định cụ thể.
Chó, mèo con mới đẻ có thể mắc bệnh dại không?
Nếu chó và mèo mẹ không được tiêm phòng dại thì con chúng có nguy cơ nhiễm virus này sau đẻ vài tuần.
Có thể làm thịt chó, mèo dại để ăn không?
Khi con vật đã bị dại thì trong tuyến nước bọt và các dây thần kinh đều có virus dại, các bộ phận khác cũng có thể chứa virus nên rất nguy hiểm. Tuyệt đối không dùng làm thức ăn cho người và gia súc.
Cách phòng chống bệnh dại
- Tuân thủ lịch tiêm phòng dại cho chó mèo, vật nuôi đầy đủ.
- Chó nuôi phải xích, nhốt, không được thả rông. Khi cho đi dạo hoặc ra đường phải đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch chọc phá vật nuôi.
- Cần tiêm phòng đầy đủ khi bị chó, mèo dại cắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét